Mách bạn 5 mẹo cực đơn giản cho một giấc ngủ ngon
Giấc ngủ đóng vai trò rất quan trọng trong việc giúp cơ thể nghỉ ngơi, phục hồi tái tạo năng lượng cho các hoạt động của các cơ quan trong cơ thể, đặc biệt là não bộ. Giấc ngủ sâu và đủ lâu sẽ giúp bạn cải thiện trí nhớ, gia tăng tuổi thọ, tăng năng suất lao động, giảm căng thẳng, kiểm soát cân nặng, ngăn ngừa bệnh tật về hệ tim mạch, hô hấp...
Vậy làm thế nào để cải thiện giấc ngủ của bản thân? Đọc bài viết để biết thêm bạn nhé!
Tuân thủ giờ giấc
Việc tuân thủ thời gian ngủ và thức dậy hàng ngày sẽ tạo đồng hồ sinh học tốt cho cơ thể. Dù ngày lễ hay cuối tuần, bạn vẫn nên duy trì thời gian biểu này để tránh cơ thể lơ là, khi bắt đầu lại sẽ rất khó khăn. Bạn nên đi ngủ vào 1 giờ cố định để cơ thể ghi nhớ. Ngoài ra, khi bạn trằn trọc, không thể ngủ được vào giờ đã đặt ra sau 15 phút, hãy đứng dậy vận động nhẹ để cơ thể thư giãn và dễ dàng có cảm giác buồn ngủ hơn. Đừng cố gắng ép bản thân dính vào chiếc giường, bạn sẽ chẳng bao giờ chợp mắt được!
Chú ý thói quen ăn uống
Thói quen ăn uống sẽ ảnh hưởng đến giấc ngủ của bạn, khi ăn quá no hay cơ thể quá đói đều gây phản ứng khó ngủ. Cần lưu ý không nên ăn bất cứ gì tối thiểu 2 tiếng trước khi lên giường. Bữa ăn quá gần giấc ngủ dù ít hay nhiều cũng sẽ khiến hệ tiêu hoá bạn phải làm việc khiến cho giấc ngủ của bạn không đủ sâu và hiệu quả. Ngoài ra, bạn không nên uống nhiều nước trước khi ngủ để tránh cơ thể phải thức dậy đi toilet vào ban đêm, làm ảnh hưởng đến hiệu quả giấc ngủ. Trước khi ngủ, tuyệt đối không sử dụng trà, cà phê hay thuốc lá vì đây là các chất kích thích gây khó ngủ.
Hạn chế ngủ ngày
Khi bạn ngủ vào ban ngày quá nhiều, cơ thể có thể sẽ vẫn tỉnh táo vào ban đêm, gây ảnh hưởng đến giấc ngủ. Thật ra, giấc ngủ ban đêm quan trọng hơn ban ngày rất nhiều vì đây là khoảng thời gian các tế bào của cơ thể tái tạo và phục hồi. Việc thay đổi thời gian nghỉ ngơi sẽ làm ảnh hưởng đến đồng hồ sinh học của cơ thể, về lâu dài có thể tác động xấu đến sức khoẻ như suy giảm hệ miễn dịch, khiến cơ thể thường xuyên rơi vào tình trạng mệt mỏi, suy nhược và làm giảm khả năng tập trung. Việc chợp mắt vào ban ngày chỉ nên diễn ra từ 10 – 30 phút. Việc này vừa giúp cơ thể tỉnh táo, vừa không ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ chính.
Thể dục thể thao đều đặn
Chỉ 30 phút tập luyện thể dục mỗi ngày sẽ giúp bạn có giấc ngủ sâu và nhanh đi vào giấc ngủ hơn. Tuy nhiên, việc tập thể dục nên bắt đầu vào buổi sáng sớm hay sau giờ làm việc. Tập thể dục trước giờ ngủ sẽ phản tác dụng, làm cơ thể trằn trọc do cơ thể chưa kịp hồi phục sau khi vận động mạnh đó bạn nhé.
Thư giãn trước khi ngủ
Khi bạn ngả lưng ngay lập tức trên giường ngủ sau khi làm việc, bạn sẽ khó lòng đi vào giấc ngủ do cơ thể chưa chuyển đổi trạng thái tập trung sang trạng thái thư giãn kịp thời. Do đó, trước khi ngủ bạn nên thư giãn bằng việc nghe nhạc, đọc sách để dễ đi vào giấc ngủ hơn. Bên cạnh đó, hãy cải thiện chất lượng giấc ngủ bằng chăn gối và ga trải giường chất lượng tốt. Hãy giữ nhiệt độ phòng ở mức 25-27 độ và nếu có điều kiện hãy sử dụng tinh dầu oải hương để mang lại mùi thơm dễ chịu thư giãn cho căn phòng. Tất cả các yếu tố này sẽ mang lại cho bạn trải nghiệm tuyệt vời nhất trên chiếc giường thân yêu.
Chúc bạn có một giấc ngủ ngon với những thông tin hữu ích trên.