Đau nhức xương khớp – Nỗi lo hậu Covy
Khoảng 20 - 30% trường hợp khỏi Covid-19 gặp các vấn đề xương khớp như đau nhức kéo dài, đau cơ, sưng khớp, cứng khớp… Tại sao lại có hiện tượng này? Các chuyên gia nói gì? Và phương pháp điều trị như thế nào?
Sau một tháng điều trị Covid-19, anh Lê Bình (43 tuổi, Nam Từ Liêm, Hà Nội) có cảm giác đau nhức và yếu xương khớp hơn so với trước. "Chỉ cần ngồi lâu một chút, tôi lại thấy đau lưng; khi leo cầu thang, bước đến tầng thứ 2 là đầu gối nhức mỏi, đuối sức, không bước tiếp được. Tay chân của tôi thỉnh thoảng bị tê bì như có kim châm, giấc ngủ cũng bị ảnh hưởng vì các cơn đau âm ỉ...", anh Bình chia sẻ.
Chuyên gia nói gì?
Theo Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Đặng Hồng Hoa (Trưởng khoa Nội Cơ xương khớp - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội), đau nhức xương khớp là một trong các triệu chứng mà người bệnh có thể gặp phải sau 2-14 ngày mắc Covid-19 với tỷ lệ khoảng 15%. Tuy nhiên, sau khi đã âm tính với virus vài tuần hoặc vài tháng, có nhiều bệnh nhân than phiền về các triệu chứng yếu hoặc đau ở xương, sưng khớp, cứng khớp, tê nhức chân tay.... Đây là hội chứng Covid kéo dài hay hội chứng hậu Covid-19.
Các báo cáo nghiên cứu được đăng trên Nature Medicine Journal (Anh), ERJ Open Research (Anh) cho thấy, có ít nhất 20-30% người bệnh khỏi Covid-19 gặp triệu chứng đau nhức xương khớp.
Các phương pháp điều trị đau nhức xương khớp
Với những ai bị đau nhức xương khớp, có rất nhiều cách giảm đau từ chườm, bôi thuốc, uống thuốc đến các phương pháp trị liệu bảo tồn không dùng thuốc - không xâm lấn như trị liệu nắn chỉnh cột sống (chiropractic), vật lý trị liệu, phục hồi chức năng.
Các phương pháp điều trị bảo tồn này đều có mục đích là phục hồi khả năng vận động, tăng cường chức năng hô hấp, cải thiện sức khỏe tinh thần do di chứng hậu Covid để lại.
Vật lý trị liệu
Dùng kỹ thuật tay chuyên biệt kết hợp với công nghệ sóng siêu âm và điện xung trị liệu, để tác động sâu vào mô mềm để tăng tuần hoàn mạch máu, giải tỏa căng thẳng tại cơ bắp, giảm đau cơ, cứng cơ, mỏi cơ, cũng như nâng tầm vận động cho các cơ.
Phục hồi chức năng
Ứng dụng hệ thống thiết bị phục hồi chức năng và các bài tập chuyên sâu cho từng vùng trên cơ thể (cổ, vai, lưng, tay chân...) nhằm cải thiện chức năng hô hấp, tăng cường khả năng vận động ở các khớp.
Trị liệu nắn chỉnh cột sống
Với tác dụng giải phóng áp lực chèn ép tại đốt sống và các khớp, đặc biệt là vị trí ngực (giúp lồng ngực giãn nở tốt hơn, cải thiện khả năng hô hấp). Đồng thời, trị liệu này giảm đau rõ rệt và thúc đẩy quá trình tự chữa lành tổn thương của cơ thể. Có thể nói, phương pháp này là lựa chọn phù hợp với những trường hợp mắc di chứng hậu Covid nặng, cần được điều trị chuyên biệt.
Ba phương pháp trị liệu này đều có tại các phòng khám xương khớp uy tín. Tốt nhất là người bệnh đi tầm soát sức khỏe cột sống để được chẩn đoán chính xác và điều trị bằng liệu trình phù hợp.
Bên cạnh đó, người bệnh giữ cho hệ hô hấp ổn định sẽ giúp tuần hoàn máu lưu thông tối đa, hỗ trợ quá trình phục hồi đau xương khớp diễn ra thuận lợi và hiệu quả hơn. Đồng thời cải thiện tình trạng thở gấp hoặc khó thở. Người bệnh có thể tập thở theo hai bài tập thở phổ biến như thở cơ hoành và thở mím môi.
Thở cơ hoành
- Bước 1: Đặt tay ở bụng dưới, khép môi và đặt lưỡi lên vòm miệng.
- Bước 2: Hít vào bằng mũi và đưa không khí xuống bụng.
- Bước 3: Từ từ thở ra bằng mũi.
Thở mím môi
- Bước 1: Hít vào bằng mũi rồi khép miệng
- Bước 2: Từ từ thở ra bằng miệng, sao cho thời gian thở ra chậm một nửa so với khi hít vào