TỔNG QUAN VIÊM HỌNG - NHỮNG ĐIỀU BẠN CẦN BIẾT!!
Viêm họng là bệnh lý thường xuyên gặp phải ở cả trẻ em và người lớn. Thường xuất hiện vào thời điểm giao mùa, mùa đông và mùa hè. Bệnh không quá nguy hiểm nhưng nếu không chữa trị kịp thời sẽ chuyển sang giai đoạn mãn tính, gây ra nhiều phiền toái tới cuộc sống hằng ngày. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp những thông tin cơ bản nhất về viêm họng tới bạn đọc.
Viêm họng là gì? Nguyên nhân dẫn tới viêm họng?
Viêm họng là tình trạng viêm nhiễm niêm mạc hầu, họng. Khi bị viêm họng, triệu chứng điển hình là đau rát cổ họng, đặc biệt khi nuốt. Thông thường, bệnh sẽ tự khỏi hẳn sau 1 tuần mà không để lại biến chứng gì. Đối với những trường hợp nặng, bệnh có thể gây viêm amidan
Nguyên nhân dẫn tới viêm họng?
- Do các loại vi khuẩn, virus: Khoảng 80% các loại virus có khả năng cao gây viêm họng như virus cúm A, virus cúm B… Và các loại vi khuẩn như phế cầu, tụ cầu, liên cầu khuẩn…
- Các yếu tố bên ngoài khác:
- Chất kích thích hoặc chất gây dị ứng như khói bụi, thuốc lá, rượu bia, đồ ăn cay nóng… làm tổn thương lớp lót niêm mạc và gây ra viêm
- Thời tiết nóng bức sử dụng điều hòa nhiều, khi nhiệt độ thay đổi đột ngột khiến cơ thể không thể thích nghi kịp, dễ gây viêm họng
- Trào ngược dạ dày thực quản: Khi bị trào ngược, axit dạ dày sẽ khiến cổ họng luôn cảm thấy bỏng rát
- Nhiễm HIV: Khi bị nhiễm HIV, hệ miễn dịch của người bệnh bị suy yếu. Do đó hệ dễ bị vi khuẩn tấn công và mắc các bệnh mãn tính, bệnh nhiễm trùng
- Khối u tồn tại ở cổ họng, lưỡi có thể khiến bạn mắc bệnh này.
Những triệu chứng của viêm họng
Các triệu chứng của viêm họng có thể khác nhau tùy vào nguyên nhân. Các dấu hiệu và triệu chứng bao gồm:
- Đau hoặc cảm giác ngứa rát cổ họng. Đau trầm trọng hơn khi nuốt hoặc nói.
- Cảm giác khó nuốt.
- Đau, sưng hạch ở cổ hoặc hàm.
- Amidan sưng đỏ
- Các mảng trắng hoặc mủ trên amidan.
- Giọng nói khàn hoặc nghẹt
Nhiễm trùng gây đau họng có thể dẫn đến các dấu hiệu và triệu chứng khác, bao gồm:
- Sốt
- Ho
- Sổ mũi
- Hắt xì
- Nhức mỏi cơ thể
- Đau đầu
- Buồn nôn hoặc nôn mửa
Phân biệt các loại viêm họng
Mỗi thể viêm họng có các triệu chứng và dấu hiệu nhận biết khác nhau. Bạn có thể dựa vào đặc trưng của từng thể bệnh để biết dạng viêm họng đang gặp phải, từ đó tìm ra phương pháp điều trị kịp thời và dứt điểm.
Viêm họng cấp tính
Là tình trạng viêm cấp tính niêm mạc họng, do virus hoặc vi khuẩn gây nên. Đi cùng với đó là loại viêm khác như viêm amidan, phát ban, viêm VA, cúm, sởi…
Viêm họng cấp do virus thường chỉ kéo dài trong 1 tuần kèm theo ớn lạnh toàn thân, đau mỏi người. Viêm họng cấp do vi khuẩn thường đi kèm với các triệu chứng nặng nề hơn như sốt cao, mệt mỏi, môi khô, lưỡi bẩn
Viêm họng cấp tính nếu không được điều trị kịp thời và dứt điểm sẽ dễ tái phát nhiều lần và tiến triển thành viêm họng mãn tính với mức độ nghiêm trọng hơn.
Viêm họng mãn tính
Viêm họng mạn tính hay còn gọi là viêm họng mãn tính là tình trạng viêm lan tỏa ở họng, kèm theo các bệnh đường hô hấp như viêm xoang mãn tính, viêm thanh, khí phế quản mãn tính hoặc viêm mũi.
Viêm họng mãn tính là hệ quả của các đợt viêm cấp tính tái phát nhiều lần do điều trị không dứt điểm hoặc cơ thể không đáp ứng với thuốc điều trị. Bên cạnh đó, bệnh cũng có thể do các yếu tố bên ngoài gây nên như môi trường sống ô nhiễm, nhiều khói bụi…
Các đặc trưng của viêm họng mãn tính bao gồm: đau họng dai dẳng nhiều tuần liền, khó nuốt, nuốt có cảm giác đau, cảm giác vướng họng, họng có đờm
Viêm họng hạt
Viêm họng hạt là dạng tiêu biểu của viêm họng mãn tính, đặc trưng bởi tình trạng viêm nhiễm kéo dài liên tục khiến các mô lympho ở thành sau họng phải làm việc liên tục trong thời gian dài và phình to ra thành các hạt. Kích thước các hạt sẽ to bằng đầu ghim đến hạt đậu
Các triệu chứng đặc trưng của viêm họng hạt bao gồm:
- Ở thành họng xuất hiện các hạt đỏ, hồng lồi cao hơn so với niêm mạc xung quanh
- Luôn có cảm giác vướng víu, ngứa và khô họng, đặc biệt sau khi ngủ dậy
- Cảm giác đau khi nuốt thức ăn, uống nc hoặc nuốt nước bọt
- Bệnh nhân thường phải đằng hắng hoặc cố gắng khạc đờm, đờm đặc quánh màu trắng đục
- Cổ nổi hạch, sờ thấy cứng, đau
Viêm họng do liên cầu khuẩn
Đây là tình trạng viêm nhiễm ở cổ họng do vi khuẩn Streptococcus. Thể viêm họng này thường gặp, xuất hiện ở nhiều độ tuổi nhưng phổ biến nhất ở trẻ nhỏ từ 5 đến 15 tuổi hoặc người có hệ miễn dịch bị suy yếu.
Các triệu chứng viêm họng do liên cầu khuẩn thường rất nguy hiểm như:
- Đặc biệt đau rát cổ họng
- Sốt cao 39 - 40 độ C
- Đau đầu, toàn thân mệt mỏi, đau cứng các cơ
- Amidan bị viêm, sưng to
- Nôn mửa, khó chịu, nuốt thấy đau.
Viêm họng giả mạc
Viêm họng giả mạc hay còn được gọi là viêm họng bạch hầu, có thể xuất hiện ở nhiều độ tuổi khác nhau, đặc biệt từ 2 - 7 tuổi. Nguyên nhân chính là cơ thể bị tấn công bởi trực khuẩn Klebs - Loeffler.
Khi mắc bệnh này, bên trong cổ họng sẽ xuất hiện các mảng giả mạc màu trắng xám, dày, bám chắc vào niêm mạc họng. Màng giả mạc này rất khó bóc, có thể lan rộng xuống thanh quản, dễ gây nên biến chứng đường hô hấp.
Cách chữa viêm họng
Thuốc trị viêm họng
Viêm họng chủ yếu do virus gây ra, trường hợp nhẹ thì không cần dùng tới kháng sinh. Nhưng nếu viêm họng do liên cầu khuẩn gây ra thì phải sử dụng kháng sinh, để tránh những biến chứng nặng hơn. Một số loại thuốc trị viêm họng thường dùng như sau:
- Kháng sinh viêm họng bao gồm nhóm thuốc Beta-lactamin (Penicillin, Amoxicillin, Cephalexin..), nhóm Macrolid (Clarithromycin, Azithromycin, Erythromycin…)
- Thuốc hạ sốt, thuốc giảm đau: Paracetamol
- Thuốc kháng viêm NSAID: Diclofenac, Ibuprofen
- Thuốc kháng viêm Corticoid: Dexamethason, Betamethason, Prednisolon
- Thuốc chống viêm giảm phù nề nhóm Enzyme
- Kẹo ngậm viêm họng, thuốc súc họng, xịt họng
- Thuốc long đờm: N-acetylcystein, Carbocystein Ambroxol, Bromhexin
Điều trị viêm họng tại nhà
Bằng những phương pháp đơn giản, có thể dễ dàng thực hiện những mẹo chữa viêm họng ngay tại nhà để đẩy nhanh tốc độ phục hồi và hạn chế nguy cơ bệnh tiến triển dai dẳng, mãn tính do viêm họng gây ra:
- Dùng gừng chữa viêm họng: Ngậm vài lát gừng tươi ở sát hầu họng để long đờm, giảm ho và giảm cảm giác đau rát họng, khó chịu
- Nước muối sinh lý làm dịu niêm mạc, tiêu viêm và sát khuẩn
- Lê chưng đường phèn trị viêm họng hỗ trợ làm giảm các triệu chứng khó chịu và cải thiện sức khỏe rõ rệt
- Lá bàng chữa viêm họng bằng cách súc miệng nước lá bàng hoặc uống nước lá bàng. Xông hơi bằng lá bàng cũng giúp điều hòa khí huyết và giảm kích ứng niêm mạc họng.
- Giá đỗ trị viêm họng bằng cách trần qua nước sôi rồi ăn trực tiếp. Hoặc có thể uống nước cốt giá đỗ để làm giảm đau viêm họng
- Nấu cháo tía tô hoặc uống nước cốt tía tô với các loại thảo dược cũng giúp giảm viêm họng nhanh, thanh lọc cơ thể và bổ phế.
- Tỏi được coi là chất kháng sinh tự nhiên, có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm rất hiệu quả. Để chữa viêm họng có thể ăn trực tiếp tỏi tươi, ngâm rượu tỏi, ngâm tỏi mật ong, nướng tỏi…
- Sử dụng chanh cũng là một trong các mẹo chữa viêm họng bởi hàm lượng acid trong chanh làm loãng dịch đờm ứ đọng, từ đó giảm đau rát và nghẹn ứ ở cổ họng. Có thể ngậm chanh tươi, uống trà chanh mật ong hoặc chanh đào ngâm mật ong…