BÍ KÍP DÙNG THUỐC NAM HIỆU QUẢ CHO NGƯỜI VIÊM ĐẠI TRÀNG
Viêm đại tràng là tình trạng viêm niêm mạc đại tràng. Viêm đại tràng mãn tính thường là tình trạng kéo dài suốt đời và hiện nay vẫn chưa có cách chữa trị dứt điểm mà chỉ có các lựa chọn điều trị hỗ trợ để giúp kiểm soát tình trạng bệnh.
Tổng quan về viêm đại tràng
Nguyên nhân
Nguyên nhân gây ra bệnh viêm đại tràng phần lớn là do chế độ ăn uống thiếu khoa học như: đồ ăn thức uống mất vệ sinh, đồ ăn bảo quản không tốt, thức ăn khó tiêu, có giun ký sinh trong ruột; chế độ sinh hoạt không hợp lý như làm việc liên tục không được nghỉ ngơi, gây áp lực lên hệ tiêu hóa. Tuy nhiên không phải viêm đại tràng nào cũng có nguyên nhân rõ ràng, đôi khi không xác định được nguyên nhân cụ thể.
Ngoài ra, viêm đại tràng có thể do nhiễm trùng, bệnh viêm đường ruột (IBD), thiếu máu, phản ứng dị ứng hoặc viêm đại tràng vi thể.
Triệu chứng
Viêm đại tràng chia làm 2 nhóm triệu chứng:
- Triệu chứng viêm đại tràng mãn tính:
Người bệnh thường có các biểu hiện như đau bụng kéo dài ở nửa khung đại tràng trái và hai hố chậu, cơn đau thường giảm khi đã đi đại tiện. Phân bất thường chủ yếu là phân lỏng và đi nhiều lần trong ngày. Tuy nhiên, cũng nhiều trường hợp táo bón, phân lẫn máu hoặc nhầy, cơ thể mệt mỏi, suy nhược, sụt cân.
- Triệu chứng viêm đại tràng cấp tính:
Người bệnh bị đau quặn thắt bụng dưới, dọc theo khung đại tràng, có cảm giác đầy hơi, chướng bụng; rối loạn tiêu hóa phổ biến nhất là tiêu chảy, phân có thể kèm máu, đi nhiều lần trong ngày; chán ăn, mệt mỏi, có thể kèm sốt nhẹ.
Cây thuốc nam điều trị Viêm đại tràng hiệu quả
Lá mơ
Theo y học cổ truyền, lá mơ lông có vị đắng, tính mát, tác dụng sát trùng và thanh nhiệt. Do đó, thảo dược này thường được dùng để chữa đau bụng, tiêu chảy, kiết lỵ, bụng sôi và ăn uống khó tiêu.
Người dân thường dùng lá mơ lông để kích thích cảm giác thèm ăn, giảm đau do ruột co thắt quá mức và hỗ trợ giảm nhiễm khuẩn đường ruột nhờ vào đặc tính chống viêm, kháng khuẩn.
Bài thuốc số 1: Lá mơ lông - Lá phèn đen
Bài thuốc này được dùng trong trường hợp viêm đại tràng do trực khuẩn lỵ mới phát (sốt kèm tiêu chảy, phân lẫn máu và chất nhầy). Ngoài những tác dụng của lá mơ lông, lá phèn đen cũng có nhiều công năng hữu ích đối với bệnh viêm đại tràng.
- Chuẩn bị: Lá phèn đen và lá mơ lông tươi: mỗi thứ 1 nắm
- Cách làm:
+ Đem rửa sạch, để ráo nước và chần sơ qua nước sôi để tiêu diệt vi khuẩn, ký sinh trùng.
+ Giã nát, vắt lấy nước uống 3 – 4 lần/ngày.
Lưu ý: - Cần vệ sinh tay sạch sẽ trước khi giã và vắt lá phèn đen + lá mơ lông. Nếu không đảm bảo vệ sinh, hiệu quả của mẹo chữa này có thể giảm đi đáng kể.
Nếu không có lá phèn đen có thể dùng vỏ cây mực hoa trắng để thay thế. Khi này thì cần phải sắc kỹ, lấy nước uống 2-3 lần 1 ngày.
Bài thuốc số 2: Nước lá mơ lông
Nếu bị viêm đại tràng mãn tính khiến bụng đau âm ỉ, cơ thể mệt mỏi, ăn uống kém, bệnh nhân có thể dùng nước lá mơ lông uống hằng ngày. Với đặc tính kháng khuẩn và tiêu viêm, lá mơ lông có thể hỗ trợ ức chế vi khuẩn, ký sinh trùng, nấm và virus trú ngụ bên trong đường ruột và giảm mức độ viêm ở ống tiêu hóa.
- Chuẩn bị: Lá mơ lông tươi: 20 - 30g
- Cách làm:
+ Đem rửa sạch, để ráo nước
+ Giã nát, sau đó vắt lấy nước uống. Hoặc có thể dùng ăn trực tiếp kèm với một số món ăn chính.
Nên dùng liên tục trong nhiều ngày để đạt hiệu quả tốt.
Lá vối
Các tài liệu Đông y ghi nhận rằng lá vối là một vị thuốc nam có tác dụng kiện tỳ, hỗ trợ cho hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn. Hàm lượng tanin rất dồi dào trong lá vối còn được cho là có thể bảo vệ niêm mạc đường ruột. Mặt khác lượng tinh dầu rất nhiều trong lá vối còn có đặc tính kháng khuẩn cao nhưng lại không làm ảnh hưởng tới hoạt động của một số lợi khuẩn trong đường ruột.
Có thể sử dụng lá vối để hỗ trợ bệnh viêm đại tràng theo cách sau:
- Chuẩn bị: Lá vối tươi: 250g. Hoặc lá vối khô: 100g
- Cách làm:
+ Đem rửa sạch với nước muối loãng rồi vò nát, cho vào ấm.
+ Thêm vào 4 lít nước rồi sắc trên lửa nhỏ trong 30 phút.
Sử dụng nước lá vối để uống hằng ngày giống như nước lọc.
Củ riềng
Củ riềng có vị cay thơm và tính ấm được cho là có tác dụng giảm đau, trừ hàn có thể giúp điều trị chứng khó tiêu, đau bụng hay tiêu chảy mà bệnh viêm đại tràng gây ra.
Trong củ riềng có các thành phần đặc biệt như Metylxinnamat, Galangin, Xineola, Kaempferit, chất cay galangola… Chúng có tác dụng kích thích tiêu hóa, kháng viêm, cải thiện miễn dịch và khả năng lưu thông tuần hoàn máu. Tất cả những điều này đều hữu ích với quá trình kiểm soát bệnh viêm đại tràng.
- Chuẩn bị: Củ riềng tươi:20g. Lá lốt tươi: 20g
- Cách làm:
+ Đem rửa sạch rồi cho vào ấm
+ Thêm 500ml nước, đun sôi lửa nhỏ trong 20 phút
Chia lượng nước thuốc thu được thành nhiều lần uống trong ngày.