BỊ NHIỆT MIỆNG NÊN ĂN GÌ VÀ KIÊNG GÌ ĐỂ NHANH KHỎI
Bị nhiệt miệng nên ăn gì và kiêng gì để nhanh khỏi là băn khoăn của rất nhiều người bởi chế độ ăn lành mạnh sẽ giúp tình trạng nhiệt miệng cải thiện nhanh chóng. Để giải đáp thắc mắc này, mời bạn đọc ngay bài viết dưới đây!
Bị nhiệt miệng nên ăn gì?
Thức ăn mềm, ít gia vị, dễ nuốt
Mặc dù nhiệt khiến khiến bạn đau đớn và khó chịu khi ăn uống nhưng bạn vẫn nên đảm bảo dinh dưỡng để cơ thể khỏe mạnh. Các món ăn mềm, ít gia vị dễ nuốt lúc này là lựa chọn phù hợp. Một số món ăn như cháo, súp, canh,... vừa dễ ăn vừa đảm bảo chất dinh dưỡng. Các món ăn này sẽ giúp làm giảm đau xót khi ăn.
Sữa chua
Sữa chua chứa nhiều vi khuẩn có lợi cho đường tiêu hóa, trong đó có Lactobacillus acidophilus có khả năng kìm hãm các vi khuẩn có hại trong khoang miệng, từ đó giúp làm giảm viêm đau do loét miệng. Do đó, khi đang bị nhiệt miệng, bạn hãy ăn sữa chua nguyên chất mỗi ngày, cảm giác mát dịu của sữa chua cũng sẽ giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn.
Trà xanh hoặc trà đen
Trà xanh, trà đen có tác dụng làm mát cơ thể, chống viêm giúp các vết nhiệt miệng nhanh khỏi.
Trong lá trà xanh còn chứa nhiều chất chống oxy hóa, dược chất có tác dụng đẩy nhanh tốc độ hồi phục tổn thương. Do vậy, khi bị nhiệt miệng, hãy uống nước trà xanh cho đến khi không còn cảm giác đau và viêm loét. Sau đó, có thể uống duy trì hàng ngày để làm mát cơ thể, ngăn ngừa nhiệt miệng tái phát và cũng đem lại nhiều lợi ích khác cho sức khỏe.
Bạn cũng có thể dùng trà đen để khắc phục nhiệt miệng bằng cách đắp túi trà đen ướt lên trực tiếp vết loét miệng trong 1-2 phút, thực hiện nhiều lần trong ngày.
Thực phẩm giàu sắt, kẽm và khoáng chất khác
Cơ thể thiếu sắt, kẽm,... cũng là một trong những nguyên nhân khiến hệ miễn dịch suy giảm, làm tăng nguy cơ viêm loét miệng. Do đó, bạn cần bổ sung thêm các loại thực phẩm giàu sắt, kẽm trong chế độ ăn như thịt gà, thịt bò, cá, tôm, trứng, súp lơ xanh,...
Nước rau má
Theo Y học cổ truyền, nước rau má có tác dụng giải nhiệt, thải độc rất tốt cho cơ thể nên giúp làm dịu và nhanh khỏi nhiệt miệng. Hoạt chất triterpenoids trong rau má có tác dụng đẩy nhanh quá trình tự lành vết thương, ngăn ngừa nhiệt miệng.
Bị nhiệt miệng nên kiêng ăn gì?
Thực phẩm chứa nhiều acid
Khi bị nhiệt miệng, bạn nên tránh các món ăn chứa nhiều acid vì acid sẽ khiến vết loét miệng lâu lành hơn, thậm chí là bị loét nhiều hơn. Một số loại trái cây chứa nhiều acid như mận xanh, dứa, chanh quất,...
Thức ăn cay nóng
Thức ăn cay nóng, được chế biến ở nhiệt độ cao sẽ gây kích ứng niêm mạc miệng, khiến cho vết nhiệt miệng càng nặng và gây đau xót hơn. Do vậy, những món ăn cho người nhiệt miệng cần để nguội. Khi chế biến các món ăn cũng cần tránh các loại gia vị cay như ớt, hạt tiêu.
Cà phê
Cà phê là thức uống giúp chúng ta tỉnh táo nhưng lại làm các vết loét lâu lành. Ngoài ra, trong cà phê còn chứa acid salicylic có thể gây ra tình trạng kích ứng các mô nhạy cảm trong khoang miệng và dễ gây nhiệt miệng. Do đó, bạn nên hạn chế uống cà phê khi bị nhiệt miệng, nhất là khi tình trạng này tái đi tái lại nhiều lần.
Đồ uống có cồn
Đồ uống có cồn hay có gas có thể khiến vết thương chậm lành, thậm chí còn tiến triển nặng thêm. Không những thế, chúng còn làm tăng cảm giác đau xót cho người bệnh nhiệt miệng. Do đó, bạn nên kiêng rượu, bia, đồ uống có ga trong giai đoạn điều trị nhiệt miệng.
Trên đây là một số thực phẩm nên và không nên ăn khi bị nhiệt miệng mà bạn cần lưu ý để nhiệt miệng nhanh khỏi nhé!